Trường Tiểu học Nam Điền 65 năm xây dựng và phát triển

Trường Tiểu học Nam Điền 65 năm xây dựng và phát triển

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập trường (1953- 2018) và 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam(20/11/1982- 20/11/2018); Trường Tiểu học Nam Điền vinh dự được đón Thầy Nguyễn Chí Hiếu, Cô Ngô Thị Ngọc Tâm( Thầy, cô làm hiệu trưởng  đầu tiên khi thành lập trường) cùng Thầy Nguyễn Huy Chắt (Thầy hiệu trưởng đầu tiên khi tái lập trường năm 1989) và các thầy cô đã công tác tại trường được Nhà nước cho nghỉ chế độ hưu trí. Thầy Nguyễn Chí Hiếu nay đã ở tuổi 85 nhưng còn khoẻ và rất minh mẫn . Cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường đã được nghe Thầy Nguyễn Chí Hiếu nói chuyện về thời kỳ đầu thành lập trường  và cung cấp các tư liệu về nhà trường, các học sinh nhà trường thời kỳ đầu đã thành đạt. Tôi xin viết lại sơ lược về thời kỳ đầu và quá trình phát triển của nhà trường qua các thời kỳ đến nay để các thế hệ học sinh nhà trường luôn phát huy truyền thống hiếu học, trọng thầy của quê hương Nam Điền nói riêng và xã Điền Xá nói chung.

Cách đây 65 năm, tháng 10 năm 1953, trường cấp 1 Nam Điền (tiền thân của Trường Tiểu học Nam Điền) được thành lập. Thầy Nguyễn Chí Hiếu sau khi tốt nghiệp Đại học Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc ( Khóa đặc biệt đầu tiên của khu Học  Xá) được cấp trên điều về  làm hiệu trưởng cùng thầy Nguyễn Thế Phiệt, thầy Phạm Văn Nguyên (Khi đó, Nam Điền còn ở trong vùng tranh chấp giữa ta và địch, vùng trắng về giáo dục) mới đầu chỉ có lớp 3  với 30 học sinh học từ vỡ lòng tới lớp 3 đặt tại nhà dân tại Thôn Phú Hào. Năm 1954-1955, cấp trên điều thêm cô Ngô Thị Ngọc Tâm, thầy Đỗ Văn Sáng, trường có thêm lớp 4 đặt tại Đình Vị Khê và nhà Cụ Tiện( xóm Hoàng Ngân), trường có 5 lớp 180 học sinh, học sinh đi học ngồi bằng ghế tự làm hoặc ngồi nền đất, bàn kẹo kéo, lớp học ở đình làng dùng cánh cửa đình làm bàn học. Khi địch càn, thầy trò phải xuống hầm trú ẩn. Trong suốt các năm học đó, cho dù rất khó khăn, vất vả song nhà trường vẫn duy trì đủ sĩ số và  nằm  trong tốp đầu xuất sắc của tỉnh.

Học sinh nhà trường thời đó đến nay, nhiều người đã thành đạt trên các lĩnh vực như: Thiếu tướng Ngôn Vĩnh tổng biên tập Báo Công an nhân dân, Nhà báo, Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, Nhà báo, Nhà thơ  Đỗ Phú Nhuận, Thầy Trương Công Thư Phó hiệu trưởng Trường Đoàn Trung Ương  và nhiều sĩ quan cấp tá, thạc sĩ, kĩ sư, doanh nhân thành đạt,..

Năm 1955, Thầy Nguyễn Chí Hiếu được cấp trên điều lên Liên khu 3(Hà Nam Ninh- Hòa Binh- Sơn Tây). Tiếp theo Cô Ngô Thị Ngọc Tâm làm hiệu trưởng(1955- 1956) Thầy Nguyễn Văn An(1957- 1959), Thầy Nguyễn Thế Phiệt (1960- 1962), Thầy Nguyễn Văn Thuận(1963- 1975). Thời kỳ này, Đảng , Nhà nước ta thực hiện chủ trương cải cách ruộng đất lấy ruộng của địa chủ chia cho dân nghèo, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, song tập thể thầy cô và học sinh hưởng ứng lời dạy của Bác Hồ: Thi đua dạy tốt, học tốt nên nhà trường tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Trải qua 2 cuộc chiến tranh gian khổ và ác liệt mà nhân dân ta đã giành được độc lập bằng chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược và Đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn Miền Nam thống nhất đất nước. Trong những năm chiến tranh, giặc Mỹ leo thang bắn phá Miền Bắc,các lớp học phải sơ tán vào đình chùa, nhà dân nhưng được nhân dân che chở nên số học sinh đi học ngày càng đông, chất lượng dạy và học ngày một nâng cao và vững chắc; Trường được sự quan tâm của Ngành Giáo dục, Đảng, Chính quyền các cấp đã xây dựng trường hình thành 2 khu như ngày nay với nhà tranh, vách đất. Trong chiến tranh, nhiều học sinh của trường đã không tiếc xương máu, đã chiến đấu anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ Quốc tiêu biếu là các Liệt sĩ: Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Văn Y, Nguyễn Chí Hiến, Phạm Văn Đào, Vũ Viết Tuyên, Nguyễn Văn Nhứ và hàng trăm liệt sĩ khác của quê hương Điền Xá. Chúng ta rất tự hào vì sự cống hiến của các thầy giáo, sự hy sinh xương máu của các cựu học sinh cùng hơn 100 liệt sỹ là những học trò của nhà trường cho Tổ quốc ta được hoà bình, độc lập; nhân dân ta được ấm no, tự do, hạnh phúc.

Giai đoạn 1976 – 1988, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, các lớp học sơ tán nay chuyển về nơi học tập trung tâm, trường cấp 1 và cấp 2 sát nhập thành Trường phổ thông cơ sở Nam Điền, thời kỳ này có các Thầy Nguyễn Kỷ, Thầy Lê Chinh, Thầy Nguyễn Văn Cảo làm hiệu trưởng, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự ủng hộ của nhân dân địa phương đã tạo ra những điều kiện tốt nhất cho sự nghiệp giáo dục; những phòng học xây, lợp ngói khang trang đã dần thay thế cho những lớp học tranh tre, vách đất của nhà trường.Các thế hệ thầy và trò nhà trường luôn nỗ lực phấn đấu vượt mọi khó khăn để xây dựng phong trào dạy và học, chất lượng dạy học từng bước được nâng lên ổn định và vững chắc; Sau một số năm sáp nhập trường đến năm học 1988 – 1989 theo chủ trương của ngành Giáo dục tách Trường phổ thông cơ sở thành Trường Cấp 1 Nam Điền và Trung học cơ sở Nam Điền. Trường Cấp 1 Nam Điền được tái lập do Thầy Nguyễn Huy Chắt làm hiệu trưởng. Khi đó nhà trường gồm 18 lớp với 668 học sinh với 25 thầy cô giáo và nhân viên văn phòng ; Trường đặt tại 2 khu có 11 phòng học cấp 4, khu A có 8 phòng, khu B có 3 phòng. Khi mới tái lập, trường còn nhiều khó khăn về mọi mặt, nhưng các thế hệ thầy và trò nhà trường luôn nỗ lực phấn đấu vượt mọi khó khăn để xây dựng phong trào dạy và học, chất lượng giáo dục từng bước tiếp tục được nâng lên. Từ năm 1989 đến năm 1994, trường liên tục đạt danh hiệu: Trường tiên tiến xuất sắc về chất lượng dạy học, phong trào vở sạch chữ đẹp, trường sạch đẹp tiêu biểu. Năm 1994, Thầy Nguyễn Huy Chắt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Nhà nước cho nghỉ chế độ, Thầy Trần Đại Nghĩa làm hiệu trưởng cùng với các thầy cô và tập thể nhà trường phát triển về phổ cập giáo dục đúng độ tuổi mức độ 1, chất lượng dạy học ổn định. Năm 1996, trường đổi tên thành Trường Tiểu học Nam Điền, nhà trường được Đảng, Chính quyền xã Điền Xá quan tâm đầu tư xây dựng dãy phòng học 2 tầng phía Bắc với 12 phòng học. Đến năm 1999, thầy Trần Đại Nghĩa được cấp trên điều động đi công tác trường khác.

Từ năm 2000 đến năm 2016, cô Vũ Thị Xiêm làm hiệu trưởng đã cùng tập thể 33 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tham mưu với Đảng, Chính quyền xã quan tâm đầu tư xây dựng trường, được cha mẹ học sinh và đoàn thể nhân dân ủng hộ Trường đã xây dựng 2  dãy nhà 2 tầng với 14 phòng học và 11 phòng chức năng. Vì vậy cơ sở vật chất nhà trường được khang trang sạch đẹp . Trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2001, đạt chuẩn xanh, sạch, đẹp an toàn năm 2014, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 năm 2016. Hàng năm chất lượng dạy và học của nhà trường được xếp tốp đầu của huyện. Học sinh giỏi đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh, phong trào luyện chữ viết đúng và đẹp, thể dục, thể thao, thi phát triển năng lực học sinh được duy trì nhiều năm. Từ năm 2001- 2008, trường có 8 năm liền đạt danh hiệu: Tập thể lao động tiên tiến xuất sắc; từ năm 2009 đến năm 2018, trường có 10 năm liền đạt danh hiệu: Tập thể lao động tiên tiến; Tiếp bước các thế hệ thầy cô đi trước, cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường đã phát huy truyền thống hiếu học, trọng thầy của quê hương, luôn tâm huyết với sự nghiệp trồng người, nhiệt tình, hăng hái trong giảng dạy và công tác với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu. Tiêu biểu trong thời gian công tác tại trường , nhiều thầy cô đã đạt các danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trực, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định tặng giấy khen như: Cô Nguyễn Thị Tuyết có 18 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, 1năm được Giấy khen giáo viên giỏi  cấp tỉnh; Cô Đặng Thị Tân có 11năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, 1năm được Giấy khen của UBND huyện; Cô Đinh Thị Kim Chung có 5 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, 2 năm được Giấy khen giáo viên giỏi cấp tỉnh; cô Nguyễn Thị Tâm có 2 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, 4 năm được Giấy khen của UBND huyện; cô Phạm Thị Hằng có 2 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, 1năm được Giấy khen của UBND huyện; cô Hoàng Thị Hoài có 1 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, cô Phạm Thị Hường có 8 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, 3 năm được Giấy khen của UBND huyện ; cô Mai Thị Hồng Tươi có 2 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, 3 năm được Giấy khen của UBND huyện; cô Vũ Thị Nga có 3 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua; cô Ngô Thị Hương có 2 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, 1 năm được Giấy khen của UBND huyện ; cô Vũ Thị Vân Anh có 2 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua; cô Trần Thị Phương Thảo có 4 năm được Giấy khen của UBND huyện; cô Hoàng Thị Giang có 1 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, 1năm được Giấy khen của UBND huyện; thầy Bùi Văn Luật có 1 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, 2 năm được Giấy khen của UBND huyện; cô Lê Thị An, thầy Vũ Trọng Điệp, thầy Lưu Việt Hà được UBND huyện tặng Giấy khen ;. Nhà trường ta trân trọng và ghi danh thành tích của các thầy cô vào sổ vàng truyền thống lưu trong phòng truyền thống tới các thế hệ học sinh nhà trường.

Sau khi trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, từ năm học 2005- 2006 đến nay, Nhà trường đã có 24 học sinh đạt giỏi và giải cấp tỉnh, trong đó 2 giải xuất sắc, 3 giải nhất, 6 giải nhì, 8 giải ba, 5 giải khuyến khích. Cấp huyện có 526 học sinh đạt giỏi, trong đó có 15 giải nhất, 31 giải nhì, 43 giải ba, 437 giải khuyến khích. Nhà trường trân trọng và ghi danh học sinh đạt giải xuất sắc, nhất, nhì, ba cấp tỉnh vào sổ vàng truyền thống lưu trong phòng truyền thống tới các thế hệ học sinh nhà trường.

Công tác xã hội hóa nhà trường, từ năm 2014 được sự nhất trí của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Diền Xá, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã vận động cha mẹ học sinh đóng góp xây 4 phòng học và chức năng trị giá 1,2 tỉ đồng. Năm học 2016- 2017, nhân dịp khai giảng năm học mới và đón Bằng công nhận Trường TH quốc gia mực độ 2, trường ta đã nhận được hàng trăm cá nhân và gia đình ủng hộ quĩ tấm lòng vàng cùng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường ủng hộ được 71500000 đồng trang bị 10 máy tính, 25 tai nghe, 6 camera và 2 đầu thu, tiêu biểu như: Ông Trương Công Phượng (xóm 14 Trừng Uyên) ủng hộ 10 triệu đồng, ông  Vũ Thế Mạnh (xóm 2 Vị Khê) ủng hộ 5 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Sửa (xóm 4 Vị Khê) ủng hộ 2 triệu đông, ông Vũ Viết Hoa (xóm 3 Vị Khê) ủng hộ 2 triệu đồng, Anh Đỗ Đình Khánh (xóm 32 Điền Xá) ủng hộ 2 triệu đồng.ông Nguyễn Văn Tuyên (xóm 5 Vị Khê) ủng hộ1triệu đồng, ông Vũ Thế Võ(xóm 2 Vị Khê) ủng hộ 1 triệu đồng, Anh Nguyễn Văn Tiến (xóm 2 Vị Khê) ủng hộ1triệu đồng), ông Nguyễn Duy Luận  (xóm 8 Lã Điền) ủng hộ 1 triệu đồng, ông Trương Văn Hương (xóm 15 Trừng Uyên) ủng hộ 1 triệu đồng và hàng trăm gia đình ủng hộ từ 100 đến 500 nghìn đồng. Nhà trường ta trân trọng cảm ơn và ghi danh vào sổ quĩ  tấm lòng vàng  gìn giữ tới các thế hệ học sinh nhà trường. Năm học 2018- 2019, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, HĐND, UBND xã Điền Xá, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, Ủy ban nhân dân xã Điền Xá đã đầu tư xây dựng thêm 2 phòng học trị giá trên 800 triệu đồng hoàn thành vào dịp khai giảng năm học mới. Ủy ban nhân dân huyện Nam Trực, Phòng Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ công trình vệ sinh học sinh diện tích 65 mét vuông xây 2 tầng hoàn thành vào đầu học kỳ 2. Hội cha mẹ học sinh đã vận động cha mẹ học sinh các lớp ủng hộ xã hội hoá đổ 1375 m3 cát hoàn thành sân tập khu 2 và  tu bổ cảnh quan nhà trường như xây cao tường bao phía Bắc trường, làm dậu thoáng phía trước cổng trường, làm giá để chậu cây trước lan can lớp học , lắp đặt lại giá đỡ chậu cây vườn thực nghiệm di động, tôn và lát nền gạch đỏ Hạ Long hồi lớp 1, lát nền gạch men khu máy lọc nước. Sự quan tâm của Đảng, Chính quyền các cấp, Ngành Giáo dục và sự  ủng hộ tích cực của các đoàn thể nhân dân, cha mẹ học sinh, các nhà hảo tâm, cùng với sự nỗ lực và nhiệt huyết của các thầy cô nhà trường vì học sinh thân yêu đã làm cho nhà trường ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát huy hiệu quả trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2,đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Đóng góp hiệu quả vào phong trào xây dựng xã, huyện, tỉnh đạt nông thôn mới trong giai đoạn 2016- 2020.

Phạm Thị Thu Hằng